Bệnh viện ĐK Quang Bình logo

RƯỢU, BIA VÀ NHỮNG HỆ LỤY ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN GIỐNG NÒI

29.09.2017 , theo Bệnh viện ĐK Quang Bình


Từ trước tới nay phần lớn chúng ta đều cho rằng việc sử dụng rượu, bia quá mức cho phép sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng và là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tan nạn giao thông, bạo hành trong gia đình... Tuy nhiên ít ai biết được việc lạm dụng thứ đồ uống này còn gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với sự phát triển giống nòi

Khoa học đã chỉ ra rằng, rượu là tác nhân gây nên bệnh liệt dương ở nam giới do làm giảm mức testosteron – hóc môn sinh dục nam có tác dụng duy trì đòi hỏi tình dục và kích thích tuyến tiền liệt, túi tinh bài xuất tinh dịch. Rượu làm giảm hoặc làm mất ham muốn tình dục, có thể gây vô sinh nam do không đủ về số lượng tinh dịch, số lượng tinh trùng và hình thái tinh trùng. Bên cạnh đó, rượu, bia còn làm giảm hàm lượng globulin mang hóc môn giới tính trong máu. Các độc tố trong rượu sẽ tấn công vào những tế bào đặc thù tạo ra tinh trùng dẫn đến tình trạng tinh trùng bị chết hoặc dị dạng, khả năng di động kém, có thể gây dị dạng bất thường về phôi thai, tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu... Các chất kích thích có trong rượu có thể giúp cơ thể tăng hưng phấn tình dục nhất thời, tuy nhiên chúng lại nhanh chóng làm ức chế trung khu thần kinh dẫn đến nguy cơ bị rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, giảm ham muốn tình dục...

Theo các nhà chuyên môn, nam giới uống nhiều rượu, bia không những ảnh hưởng tới chất lượng, số lượng tinh trùng mà còn làm giảm khả năng sinh dục. Đây là một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn, vô sinh. Ngoài ra, nếu hàm lượng rượu, bia trong cơ thể người đàn ông quá nhiều mà khoảng thời gian đó có quan hệ vợ chồng, có con thì em bé sinh ra cũng bị ảnh hưởng. Không những thế nghiện rượu sẽ làm teo ống sinh tinh ở nam và làm giảm số tế bào sinh tinh, điều này dẫn đến giảm kích thích tinh hoàn và giảm sản xuất tinh trùng. Thậm chí những người nghiện rượu nặng có thể bị rối loạn chức năng cương cứng dương vật và không thể quan hệ tình dục thành công, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của mình.

Ở nữ giới, khi uống rượu, bia dù lượng nhỏ cũng có thể gây ảnh hưởng đến kinh nguyệt và quá trình rụng trứng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lạm dụng rượu, bia làm giảm khả năng có thai ở nữ, gây ảnh hưởng chủ yếu đến hệ thống nội tiết và hoạt động của buồng trứng và dẫn đến rối loạn chức năng rụng trứng, làm phụ nữ khó có thai. Nếu uống quá nhiều rượu, bia khi có gia đình sẽ khó mang thai, không những thế còn giảm khả năng thành công trong điều trị hiếm muộn.

Những phụ nữ mang thai có nguy cơ sảy thai cao nếu uống nhiều rượu, bia. Đặc biệt đối với nữ giới nghiện rượu sẽ làm suy yếu vùng hạ đồi – tuyến yên, buồng trứng dẫn đến trứng không rụng nữa, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, gây nguy cơ sinh non…

Không những ảnh hưởng đến khả năng có thai của người phụ nữ, việc sử dụng thức uống chứa chất cồn trong suốt quá trình mang thai có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho thai nhi, làm tăng nguy cơ dị tật thai và bất thường về phát triển thai nhi. Theo kháo sát của các nhà chuyên môn, đối với những bà mẹ đang mang thai mà uống rượu, bia đứa trẻ khi sinh ra sẽ có hành vi hung hăng và chểnh mảng hơn những đứa trẻ có mẹ không uống rượu, bia. Ngoài ra, đứa bé có mẹ uống rượu, bia trong khi mang thai có nhiều khả năng mắc các vấn đề về thần kinh sau này.

Khuyến cáo của các nhà chuyên môn, để đảm bảo cho sức khỏe chúng ta không nên lạm dụng rượu bia, nếu phải uống thì cũng chỉ uống ở mức độ nhất định. Không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày trong một tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%) hoặc 1 cốc bia hơi 330 ml hay 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%). Tuy nhiên không có loại rượu, bia nào mà an toàn cho thai kỳ, vì thế để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ và thai nhi tốt nhất người mẹ không được uống rượu, bia khi đang dự định có con, trong thời gian mang thai cũng như trong suốt thời kỳ cho con bú bằng sữa mẹ.


Các bài đã đăng

Xem thêm

Giờ làm việc

Thứ 2 - thứ 6

Sáng: 07h00 - 11h30

Chiều: 13h30 - 17h30

Hướng dẫn khám chữa bệnh Đăng ký KCB
Website đơn vị trực thuộc
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy website giao diện mới thế nào?

Xem kết quả

Tra cứu thông tin thuốc

BỘ MÃ ICD10